Sau hơn 5 năm kể từ khi công viên nước đầu tiên ở Việt Nam đi vào hoạt động (Saigon Water Park tháng 12.1997), hàng loạt công viên nước khác cũng ra đời sau đó. Nếu nhìn vào số lượng khách đến các công viên nước, có thể cảm tưởng các doanh nghiệp kinh doanh công viên nước "thắng" lớn. Thực tế có đúng như vậy qua ý kiến của người trong cuộc?
TP.HCM: Khó vì chi phí cao
Một số người cho rằng, công viên nước ra đời nhiều trong năm vừa qua vì các nhà kinh doanh có thể đầu tư nhanh và rút vốn lẹ!
Nhưng chi phí cố định hàng tháng của họ đã triệt tiêu phần nào lợi nhuận so với loại hình vui chơi trên cạn. Theo ước tính của một số công viên nước, chi phí bảo trì của loại hình công viên nước phải gấp 10 lần so với "công viên khô". Chỉ riêng lực lượng cứu hộ đã không thể giảm bớt dù rơi vào thời điểm vắng khách như tháng 9,10.
Theo công viên nước Vietnam Water World, trong năm 2001 trung bình có khoảng 60.000 - 70.000 lượt khách/tháng. Chỉ số mong muốn của các công viên nước trong năm là khoảng 1,2 triệu lượt khách mới có được doanh thu tốt. Số lượng khách đến công viên nước chỉ đạt con số mong muốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào các dịp lễ tết. Ngay tết Nhâm Ngọ vừa qua, các công viên nước lớn đều đạt số lượng khách 40.000 - 60.000 trong 6 ngày (mùng 1 - 6 tết). Khả năng hoàn vốn đầu tư trong dự án thành lập các công viên nước đều bị chậm lại so với dự kiến.
Như trường hợp một công viên nước X, mặc dù dự kiến thu hồi vốn đầu tư trong 5 năm nhưng sau 3 năm hoạt động họ phải lắc đầu với số lượng khách trung bình hàng ngày (1.500 - 2.000 lượt khách). Họ cho rằng, có lẽ chỉ có thể thu hồi vốn với thời gian dự kiến ban đầu cộng thêm 2 - 3 năm; chỉ có thể thu hồi đúng tiến độ với 5.000 - 7.000 lượt khách /ngày.
Theo bà Tô Tuệ Nghi, phó giám đốc công viên nước Ðại Thế Giới thì "số lượng khách đến Ðại Thế Giới vào những ngày thường vẫn còn thấp; trong khi đó, muốn chứa thêm khách vào dịp lễ tết thì lại không được bởi diện tích công viên có hạn. Hiện nay, chúng tôi cố gắng đầu tư thêm các loại hình trò chơi vận động với ý tưởng mới, không lệ thuộc vào thiết bị máy móc và tăng cường quan hệ với các trường tiểu học, mẫu giáo để giữ được lượng khách ổn định”.
Tại TP.HCM, ngoài "thế chân vạc" giữa Saigon Water Park - Vietnam Water World - Ðầm Sen Water Park, hiện đã có thêm các công viên nước Ðại Thế Giới, Ðại Dương (quận7), Biển Tiên Ðồng của Suối Tiên, công viên nước Bình Dương, Nhạc nước tại Long Thành góp phần chia sẻ khách. Do đó, doanh thu từ loại hình công viên nước ngày càng trở nên khó khăn hơn khi số khách đến từ các tỉnh xung quanh TP.HCM đã bị hút trở lại về các tỉnh.
Ông Bùi Thanh Tráng, tổng quản lý công viên nước Vietnam Water World cho biết: "Cho dù chúng tôi tiếp đón 100 hay 1.000 khách thì hệ thống thiết bị và con người vẫn phải hoạt động như nhau. Mô hình hoạt động của công viên nước rất khó điều chỉnh lên xuống số thiết bị và nhân sự như các khu giải trí trên cạn được. Mặc dù chúng tôi vẫn phải sử dụng số lao động thời vụ trong dịp lễ tết hoặc ngày thường nhưng đội ngũ lao động chuyên môn như cứu hộ thì không thể nào giảm bớt được. Lực lượng cứu hộ tại công viên nước chiếm khoảng phân nửa số lao động".
Công viên nước Ðà Nẵng: 10 năm mới thu hồi vốn!
Với tổng mức đầu tư hơn 49,2 tỉ đồng, công viên nước Ðà Nẵng được xem là một trong những công trình đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân địa phương. Tuy nhiên, ngay trước khi công viên nước Ðà Nẵng được đầu tư, đã có rất nhiều ý kiến trong nhân dân về hiệu quả của công trình. Thậm chí dư luận cho rằng đây chỉ là hiện tượng phong trào. Bà Bùi Diệu Thu, giám đốc công ty du lịch Non Nước nhìn nhận, cách hiểu như vậy khá hợp với tâm lý người dân địa phương. Song cần phải tính đến việc công viên nước đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.
Theo bà Thu, một công viên nước với trên 12 hạng mục trò chơi như hiện có của Ðà Nẵng sẽ đáp ứng đa dạng hơn những hoạt động vui chơi của người dân, nhất là giới trẻ vốn ham mê sự sáng tạo, hiếu động. Những điều kiện đi kèm như an toàn, yêu cầu bảo hộ cao trong tổ chức công viên nước cũng giúp an tâm hơn cho người dân, thay vì là các bãi biển tự nhiên, mức độ bảo hộ, cứu hộ hạn chế. Ðối tượng chủ yếu là trẻ em tại công viên nước còn được tiếp xúc nhiều loại hình giải trí khác. Ông Trần Huynh, giám đốc công viên nước khẳng định thêm, hiện tại đa số trẻ em dưới 10 tuổi gần như được áp dụng chế độ miễn phí vé vào cửa, tắm miễn phí ở một số hồ bơi thiếu nhi. Như vậy, công viên nước Ðà Nẵng có ý nghĩa như là một bãi biển mới, độ an toàn cao, rõ ràng dễ được người dân Ðà Nẵng chấp nhận.
Tổng hợp doanh thu của công viên nước trong một năm, theo ông Trần Huynh, có thể đạt 10,4 tỉ đồng. Trong đó, mức thu vé vào cổng tính khoảng 6,24 tỉ đồng với giá vé 35.000 đồng/người; kinh doanh ăn uống thu khoảng 2,2 tỉ đồng… Khấu trừ các khoản chi phí tính toán cho vận hành, hoạt động công viên mỗi năm xấp xỉ hơn 3 tỉ đồng, công viên nước Ðà Nẵng sẽ vẫn còn một khoản lợi nhuận lớn để khấu hao vốn xây dựng và đầu tư cơ bản ban đầu. Ông Trần Huynh tin tưởng với các tính toán này, sau 10 năm công viên nước Ðà Nẵng có thể khấu hao trở lại toàn bộ những khoản đầu tư hiện có, gồm chi phí xây lắp 22,58 tỉ đồng, mua thiết bị 18,91 tỉ đồng, các chi phí khác trên 6 tỉ đồng…
Công viên nước Hồ Tây: tính tới trò chơi trên… cạn!
Mùa đông đầu tiên của công viên nước Hồ Tây (năm 2000) quả là một ác mộng với những người quản lý khu vui chơi giải trí nước đầu tiên ở Hà Nội. Phát biểu với báo giới nhân dịp khai trương mùa hè năm 2001, ông Nguyễn Ðức Thành, tổng giám đốc công ty cổ phần giải trí Hà Nội cho biết: "Khó khăn có thể lường trước, nhưng không ngờ nó lớn như vậy". Tuy vậy, qua rút kinh nghiệm của mùa đầu tiên, mùa đông thứ hai của công viên nước đã có thêm những hoạt động nhằm thu hút khách. Doanh thu trong 5 ngày tết (mở cửa từ mùng 2 đến mùng 6) đã vượt quá 1 tỉ đồng. Ðây là con số đáng khích lệ với công viên.
Với mức đầu tư cho đến nay là 150 tỉ đồng (vốn ban đầu là 45 tỉ), công viên nước Hồ Tây đang chú trọng tới việc phát triển các trò chơi trên cạn nhằm thu hút khách mùa đông. Gần đây nhất là trò chơi Rồng thép Thăng Long với mức đầu tư 1 triệu đô la và ngựa quay hào hoa, trên 1 tỉ đồng đầu tư. “Chúng tôi phát triển đồng đều các trò chơi cảm giác mạnh cho người lớn và các trò chơi cho trẻ em", chị Nguyễn Thị Minh Phương thuộc phòng marketing cho biết.
Nếu như mùa đông năm 2000, công viên chỉ có một trò chơi cạn đáng kể nhất là đu quay khổng lồ thì việc đầu tư mở rộng công viên Vầng Trăng là một bước tiến lớn cho mùa đông 2001 - 2002. Phòng chiếu phim thực tế ảo, đu quay bạch tuộc, tàu điện trên cao… là những hoạt động mới của công viên. "Chúng tôi phấn đầu biến công viên Vầng Trăng thành một công viên vừa hiện đại, vừa hấp dẫn", chị Phương cho biết.
Chí Thịnh - Nguyên Ðức - Thanh Hà
Tiền tỉ cho công viên nước
Theo số liệu chưa đầy đủ, ước tính cả nước có khoảng 20 công viên nước, dưới đây là một số công viên nước tiêu biểu.
TP.HCM
• Công viên nước Ðầm Sen (số 3 Hòa Bình, Q.11) : Diện tích: 3ha; khai trương: 19.11.1999; vốn đầu tư ban đầu: 33 tỉ đồng (vốn đầu tư hiện tại: hơn 60 tỉ đồng); thiết bị: hãng Action Park (Tây Ban Nha)
• Saigon Water Park (phường Linh Ðông, quận Thủ Ðức) : Diện tích: 5ha; khai trương: tháng 12.1997; vốn đầu tư: 11 triệu USD; thiết bị: Úc (cầu trượt).
• Vietnam Water World (phường Long Thạnh Mỹ, Q.9) : Diện tích: 12ha; khai trương: 20.12.1998; vốn đầu tư: 10 triệu USD; thiết bị: Canada
• Công viên nước Ðại Dương (491 hương lộ 1, phường Tân Quy, Q.7) : Diện tích: 2 ha; vốn đầu tư: 32 tỉ đồng; Thiết bị: trong nước (ống trượt), Úc (lọc và xử lý nước)
• Công viên nước Ðại Thế Giới (600 Hàm Tử, Q.5) : Diện tích: hơn 4.000m2; khai trương: tháng 2.1999; thiết bị: Ðài Loan
Hà Nội
• Công viên nước Hồ Tây : Diện tích: 6,4 ha; vốn đầu tư: 150 tỉ đồng (vốn ban đầu 45 tỉ); khai trương: 19.5.2000; thiết bị: hãng Action Park (Tây Ban Nha).
Ðà Nẵng
• Công viên nước Ðà Nẵng (phường Hòa Cường, TP. Ðà Nẵng) : Diện tích: 11ha; khai trương: 27.1.2002; vốn đầu tư: 47 tỉ đồng; thiết bị: hãng Action Park (Tây Ban Nha).
Gia Lai
• Công viên nước Gia Lai : Diện tích: 1ha; khai trương: tết Canh Thìn 2000; vốn đầu tư: 3 tỉ đồng; thiết bị: công ty TNHH Ngọc Thạch (TP.HCM)
Bình Dương
• Công viên nước Bình Dương (thị xã Thủ Dầu Một) : Diện tích: 1,5 ha; khai trương: 15.9.2001; vốn đầu tư: 8 tỉ đồng; thiết bị: công ty TNHH Ngọc Thạch (TP.HCM).
Sunday, August 14, 2011
Kinh doanh công viên nước - SGTT 2002
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment